Hiệu quả sau chuyển đổi tại các HTX nông nghiệp

  • bởi

Sau gần 5 năm thi hành Luật HTX năm 2012, các HTX hoạt động lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp (gọi chung HTX nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến rõ nét về cơ cấu tổ chức, quy mô hoạt động, sản xuất kinh doanh mang lại doanh thu cho HTX và thu nhập cho thành viên, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tỉnh.

Ông Dương Ngọc Hưng, Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh, cho biết: Thời điểm Luật HTX năm 2012 chính thức có hiệu lực (tháng 7/2013), toàn tỉnh có tổng số 162 HTX nông nghiệp với gần 60.000 thành viên. Phần lớn những HTX này được thành lập trong giai đoạn bao cấp, hoạt động chủ yếu cung cấp dịch vụ đầu vào bao gồm: Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cây con giống, thủy lợi… Cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nhiều HTX đã xuống cấp không đảm bảo cung ứng dịch vụ thường xuyên cho thành viên, một số HTX đã ngừng hoạt động chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Theo quy định luật mới, những HTX ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng sẽ phải giải thể hoặc chuyển sang loại hình kinh tế khác, hạn cuối là 31/7/2016. Đến nay, đã có 80 HTX giải thể theo quy định. Riêng những HTX nông nghiệp còn tài sản, quỹ hoạt động sản xuất, đang duy trì tốt cung cấp dịch vụ cho thành viên sẽ đăng ký lại theo quy định.

Không chỉ hiệu quả đối với những HTX chuyển đổi lại mà luật mới còn khích lệ nhiều HTX nông nghiệp thành lập mới. Tính đến ngày 30/9/2017, toàn tỉnh có 249 HTX nông nghiệp, trong đó số thành lập mới là 87 HTX (tính từ 7/2013). Cùng với đó, giá trị tài sản của các HTX trên địa bàn tỉnh tăng lên, đạt gần 260 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng (so với năm 2012); tổng thu nhập của HTX đạt gần 148 triệu đồng/HTX, lợi nhuận gần 73 triệu đồng/HTX, tăng 39 triệu đồng so thời điểm năm 2013; thu nhập bình quân lao động tăng từ 1,7 triệu đồng (năm 2013) lên 2,5 triệu đồng/người.

Có được kết quả trên là do thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về nguồn vốn vay, kinh phí thành lập mới HTX, tư vấn, đào tạo, khoa học kỹ thuật, giúp các HTX tiếp cận mô hình mới đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), khuyến khích phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương. Vì vậy, HTX đã phát huy được vai trò kết nối người dân trong vùng sản xuất, phát triển các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 34 HTX tham gia phát triển sản phẩm OCOP.

Sản phẩm tỏi đen của HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái) được trưng bày và giới thiệu tại Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh (tháng 10/2017)

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều HTX nông nghiệp cũng phản ánh, do lĩnh vực hoạt động của các HTX có tính rủi ro cao; cơ chế bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất chưa thực sự hiệu quả; trình độ năng lực cán bộ quản lý hạn chế, còn có nhiều HTX hoạt động manh mún nhỏ lẻ; áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất chưa nhiều… đã ảnh hưởng đến sự phát triển của các HTX.

Do đó, để nâng cao vai trò và phát huy hiệu quả các HTX nông nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cần tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; xây dựng mô hình thí điểm HTX theo từng lĩnh vực để đánh giá rút kinh nghiệm; thực hiện hiệu quả cơ chế chính sách hỗ trợ phát huy vai trò của ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể từ tỉnh đến cấp xã…

Dương Trường

Nguồn: https://thuviendientu.baoquangninh.com.vn/kinh-te/201711/hieu-qua-sau-chuyen-doi-tai-cac-htx-nong-nghiep-2364437/