ĐỂ HTX THAM GIA SÂU VÀO CHƯƠNG TRÌNH OCOP

Từ năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP). Qua 4 năm triển khai, đến nay, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những tỉnh tiên phong trong cả nước triển khai thực hiện chương trình OCOP một cách có bài bản, hệ thống. Để mô hình này phát triển hiệu quả, theo các chuyên gia kinh tế, vai trò kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX rất quan trọng.

Sản phẩm của HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái) tham Tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP Quảng Ninh, tháng 10/2017.

HTX đi lên từ kinh tế hộ

Từng là hộ sản xuất trồng và bao tiêu cây chùm ngây cho các hộ dân, đến nay, HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An (TP Móng Cái) đã phát triển, mở rộng 10 sản phẩm được đăng ký thương hiệu OCOP tỉnh. Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX cho biết: Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào, HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An đã nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra sản phẩm, như: Tỏi đen, tinh dầu tỏi, trà măng tây, bột khoai lang, trà chùm ngây,… Sản phẩm của HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An được tham gia hầu hết các hội chợ tỉnh, cũng như xây dựng  các đại lý phân phối trên địa bàn toàn quốc, mỗi năm đem lại doanh thu cho HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An hơn 3 tỷ đồng. Đồng thời, HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Anh La A Nồng, Giám đốc HTX Phát triển Đình Trung chi biết: Khi tỉnh xây dựng Chương trình OCOP, khuyến khích phát triển các sản phẩm truyền thống địa phương, trong đó sản phẩm miếng dong, tôi đã mạnh dạn đăng ký với huyện để phát triển mô hình HTX làm miến và đã được hỗ trợ cả về vốn và kỹ thuật. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 50 tấn miến thương phẩm, doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Sản phẩm miến đã được tiêu thụ tại địa bàn và đưa ra các tỉnh khác; tại các kỳ hội chợ nông sản trong nước, chúng tôi cũng đăng ký tham gia và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng và các đại lý phân phối. Do phát triển ổn định nên HTX đã tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng.

HTX Nông lâm ngư nghiệp Thái An và nhiều HTX tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh phát triển HTX  từ kinh tế hộ gia đình. Được biết, phần lớn các HTX tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP đều đi lên từ mô hình kinh tế hộ hoặc tổ sản xuất. Bởi kinh tế hộ có ưu điểm nhỏ gọn, duy trì bảo tồn sản phẩm truyền thống, gắn với phong tục làng, bản tại địa phương. Tuy nhiên, kinh tế hộ hiện nay có hạn chế là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ  lạc hậu, sản lượng thấp, mở rộng thị trường hạn chế, thiếu liên kết hộ, nên sản phẩm làm ra không có sự đồng nhất, không mang tính cộng đồng vùng dân cư.

Cần trợ lực cho HTX tham gia OCOP

Theo các chuyên gia kinh tế phân tích, để sản phẩm đặc trưng mang thương hiệu địa phương phát triển trong giai đoạn hiện nay thì mô hình HTX được coi là phù hợp nhất, vì nó không giới hạn số lượng thành viên tham gia sản xuất, từ đó, có thể tạo ra liên kết giữa các hộ đến liên kết vùng, mục tiêu hình thành các sản phẩm phong phú đa dạng. Vì vậy, kinh tế hộ là cơ sở để hình thành HTX.

Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX tham gia chương trình OCOP, trong đó thông qua 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung có ứng dụng KHCN. Một số HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP đã lập xong quy hoạch chi tiết vùng như: HTX Dược liệu xanh (TX Đông Triều), HTX Mật ong Thống Nhất (huyện Hoành Bồ), HTX Thái An (TP Móng Cái)…

Thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều quyết định nhằm hỗ trợ phát triển HTX, đặc biệt là đối với các HTX phát triển nông sản. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch (số 667/KH-UBND ngày 5-2-2016) về xây dựng 7 mô hình HTX tại các địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Cô Tô… theo hướng HTX với người nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm địa phương, gắn với chương trình OCOP tỉnh. Chính sách trên đã thu hút lực khoảng 2.000 lao động tại chỗ trực tiếp tham gia sản xuất với số vốn hoạt động hơn 133 tỷ đồng. Còn tại Quyết định số 899/QĐ – UBND ngày 29/3/2017 của UBDN tỉnh về việc quy định điều kiện áp dụng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, các HTX được hỗ trợ chính sách khuyến khích về lãi suất vay vốn, xúc tiến thương mại, KHCN, hạ tầng, đất đai, thiết bị sản xuất…

Xác định hoạt động xúc tiến thương mại là mục tiêu quan trọng, tỉnh đã tổ chức các hội chợ, phiên chợ, tuần kết nối đưa sản phẩm OCOP. Năm 2017, tỉnh tổ chức 20 hội chợ, phiên chợ với sự tham gia của hàng trăm HTX trong và ngoài tỉnh để liên kết quảng bá sản phẩm tới doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù hoạt động của các HTX đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, sự phát triển trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

Theo số liệu của Ban Xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh hiện có 34 HTX tham gia sản phẩm OCOP  nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trình độ năng lực nội tại của các HTX còn yếu; các  HTX nông nghiệp tham gia OCOP chưa thực sự đổi mới về tổ chức, thiếu động lực để phát triển…

Để các HTX tham gia Chương trình OCOP phát huy được hiệu quả, theo ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh: Các cấp, ngành, địa phương cần nhiều chính sách hỗ trợ, tạo lập môi trường cho các HTX kiểu mới phát triển. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai, tín dụng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; thực hiện chính sách thu hút cán bộ trẻ, có trình độ làm việc tại HTX.  Đồng thời, ưu tiên các giải pháp thiết thực về khoa học, công nghệ, thị trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn pháp luật, chủ trương, chính sách phát triển HTX.

Tác giả bài viết: Dương Trường

Nguồn tin: baoquangninh.com.vn