CÂU CHUYỆN MANG TỎI ĐEN ĐẾN XỨ “VÀNG ĐEN”

  • bởi

Theo: báo Quảng Ninh (2015)

Năm 2015, nhờ sự giúp đỡ của Sở KHCN tỉnh Quảng Ninh và dự án OCOP (One Community, One Product – Mỗi huyện, Mỗi Sản phẩm) của UBND Tỉnh QN, HTX Thái An đã tiếp nhận và làm chủ 5 quy trình công nghệ do Công ty TNHH Phát triển thương hiệu Brandwork chuyển giao công nghệ Nhật Bản.

Kiểm tra thổ nhưỡng trên đảo Vĩnh Thực

Đó là: Lựa chọn quy mô và công nghệ sản xuất, thiết kế nhà xưởng, chọn lọc và sơ chế nguyên liệu, ủ tỏi đen và lựa chọn, đóng gói tỏi đen thành phẩm. Đồng thời, các kỹ thuật viên của HTX cũng được đào tạo làm chủ quy trình công nghệ. Sản phẩm Tỏi đen, Tỏi tía khô, Rượu tỏi tía, Tinh dầu tỏi tía, Viên tỏi đen của HTX Thái An còn được Công ty này ký hợp đồng bao tiêu để xuất sang thị trường Nhật Bản. Trước đó một nhóm gồm các chuyên gia Việt Nhật và ông Manabu Matsumoto, cựu thành viên của Jica Việt Nam đã có chuyến khảo sát thổ nhưỡng và khí hậu tại Móng Cái, Quảng Ninh – nơi trồng khảo nghiệm giống tỏi quý Nhật Bản và chuyển giao công nghệ chế biến tỏi đen.Theo các chuyên gia, yếu tố quan trọng nhất để tạo nên chất lượng của tỏi đen đó chính là chất lượng của tỏi nguyên liệu. Để có tỏi nguyên liệu có chất lượng cao thì chất lượng giống tỏi, đất đai thổ nhưỡng, nguồn nước tưới, và kỹ thuật canh tác – đặc biệt là việc áp dụng công nghệ cao vào canh tác nhằm kiểm soát chặt chẽ lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Có như vậy tỏi đen do Việt Nam sản xuất mới có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Quảng Ninh là nơi đầu tiên được chọn để thí điểm trồng giống tỏi “Joom boo” nổi tiếng của vùng Aomori (Nhật Bản) là bởi vùng đất này có khí hậu gần tương đồng với khí hậu Nhật Bản như độ lạnh, gió và hơi ẩm của biển. Đặc biệt là cả hệ thống chính trị ở đây, từ nhà quản lý, nhà doanh nghiệp và người dân đang nỗ lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và chấp nhận những yêu cầu khắt khe trong quá trình canh tác của các chuyên gia Nhật Bản, thậm chí chấp nhận xóa bỏ phương thức canh tác cũ kém bền vững, trong đó lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật là không thể kiểm soát. Đặc biệt giống tỏi này được trồng tại đảo Vĩnh Thực (Móng Cái), nơi từ lâu đã có nghề trồng tỏi, tỏi ở đây nổi tiếng thơm ngon.

Các chuyên gia Nhật Bản và UBND Tỉnh QN làm việc cùng HTX Thái An

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc HTX Nông Lâm Ngư nghiệp Thái An, cho biết: Tỏi đen là sản phẩm được tạo ra sau quá trình lên men, có các tác dụng sinh học hơn hẳn so với tỏi thông thường. Chúng vừa khắc phục được mùi khó chịu của tỏi thông thường, vừa làm tăng tác dụng chống oxy hoá của tỏi lên gấp nhiều lần. Do đó, nếu như giá thành tỏi làm gia vị thông thường chỉ khoảng 50.000 đồng/kg thì tỏi đen có giá bán tới 1 triệu đồng/kg. Hiện sản phẩm tỏi đen của HTX Thái An được Công ty TNHH Phát triển thương hiệu Brandwork ký hợp đồng bao tiêu để xuất sang thị trường Nhật Bản. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, HTX Thái An đã cung cấp giống, phân bón, chỉ đạo kỹ thuật canh tác và thu mua sản phẩm cho hơn 10 hộ dân tại xã đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái).